Bị đánh đến nguy kịch, trọng tài Công Đen vẫn không bỏ nghiệp cầm còi

Google News Bong Da Phui
Trọng tài Công Đen

“Nghề trọng tài bóng đá, đặc biệt là trọng tài phủi rất bạc bẽo. Nguy cơ vỡ trận là rất lớn, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng. Thật sự nghiệp cầm còi rất bạc…”. Đây là lời nói trải lòng của trọng tài Công Đen trong buổi trò chuyện cùng phóng viên Trang tin tức Bóng Đá Phủi

Trở thành trọng tài chuyên nghiệp từ niềm yêu thích thuở bé

Trọng tài Trần Ngọc Công, thường được gọi là Công “Đen”, sinh năm 1984 tại Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam. Anh hiện là giáo viên thể chất đang công tác tại Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An, Quảng Nam. Thầy Công bén duyên sự nghiệp cầm còi từ năm 2007, tính đến nay thâm niên đã đến 17 năm trong màu áo của “ông vua áo đen” trên sân cỏ.

Trải qua vô số trận đấu, từ những giải phong trào của xã, huyện, các doanh nghiệp, đoàn thể hay thậm chí là những giải đấu lớn hàng đầu giới bóng đá phong trào toàn quốc như Mansion Sport Cup, Daisy Cup. Hình ảnh một vị trọng tài có dáng người cao, da ngăm, luôn xuất hiện chỉn chu và khách quan, chuẩn xác trong từng quyết định trên sân đã quá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá phong trào Đà Nẵng – Quảng Nam.

Từ nhỏ, trọng tài Trần Công đã có niềm đam mê đặc biệt với bóng đá. Được hòa mình vào các trận đấu là mơ ước, là khát khao cháy bỏng của anh.

“Tôi bắt đầu học hỏi và rèn luyện để trở thành một trọng tài chuyên nghiệp và điều đó xuất phát từ đam mê với trái bóng tròn.” – Trọng tài Công “Đen” chia sẻ.

trọng tài Công "Đen"
Trọng Tài Trần Ngọc Công, thường được gọi là Công “Đen”.

Nghề trọng tài tuy bạc nhưng là đam mê không thể bỏ

Hành trình trở thành một trọng tài chuyên nghiệp không hề dễ dàng và những gì anh đã trải qua thực sự minh chứng cho câu nói “nghiệp cầm còi rất bạc”. Thực sự trọng tài bóng đá, đặc biệt là trong các giải phủi, không chỉ đối mặt với áp lực từ các quyết định trên sân mà còn cả nguy cơ đe dọa đến thân thể, thậm chí là nguy hiểm cho cả tính mạng.

Khi nghe Trần Công kể lại những lần bị khán giả quá khích, tràn sân và thậm chí có hành vi bạo lực đối với anh, chúng tôi thật không khỏi xúc động.

“Năm 2015, khi làm giải phủi ở Duy Xuyên, tôi đã bị khán giả quá khích tấn công. Sau đó, tôi phải giải thích và nhắc nhở các cầu thủ cùng khán giả rằng, bóng đá là đam mê nhưng gia đình và danh dự là quan trọng hơn hết.”

trọng tài Trần Ngọc Công
Hình ảnh chỉn chu của trọng tài Công “Đen” trong mỗi lần ra sân.

Đã có những lúc, anh tưởng chừng như mình sẽ bỏ cuộc nhưng nhờ sự động viên từ gia đình, bạn bè, trân quý tình cảm của khán giải dành cho mình và đặc biệt là đam mê với bóng đá, anh lại tiếp tục. Cũng chính nhờ những điều này, chúng ta được chứng kiến những trận cầu đẹp mắt, công bằng dưới sự điều khiển của trọng tài Công “Đen”.

“Nhiều khi tôi muốn bỏ nghề, nhưng nhờ có sự động viên từ gia đình và bạn bè, tôi đã cố gắng tiếp tục sự nghiệp. Cùng với đó tôi rất trân quý tình cảm của khán giả dành cho mình. Khi về các địa phương, bà con khán giả luôn yêu mến họ mời về nhà để ở lại nhà họ khi làm giải dài ngày. Và quan trọng hơn hết, với tôi nghề trọng tài tuy bạc nhưng là đam mê không thể bỏ.” – Trọng tài Trần Công chia sẻ về động lực giúp anh tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cầm còi của mình.

trọng tài Trần Công
Trọng tài Công Đen: “Với tôi nghề trọng tài tuy bạc nhưng là đam mê không thể bỏ.”

Công “Đen” là một trọng tài đa năng

Cùng với vai trò trọng tài, Trần Công còn tham gia tổ chức nhiều trận đấu thiện nguyện nhằm gây quỹ ủng hộ những trường hợp khó khăn. Điều này cũng chính là mơ ước thuở bé của Công “Đen”, cùng đam mê bóng đá lan tỏa những điều tốt đẹp đến cho cộng đồng.

Dù với mục đích thiện nguyện, nhưng với sự chỉn chu trong phong cách làm việc, các giải đấu đều được chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công. Trả lời với phóng viên của bongdaphui.vn về phong cách làm việc, “Thầy Công” mang tôn chỉ làm việc chuyên nghiệp từ mọi khâu để trận đấu diễn ra suôn sẻ nhất:

“Tổ chức trận đấu đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu phân chia đội, chọn sân bãi, đến việc đảm bảo an ninh và sức khỏe cho các cầu thủ. Tôi luôn chú trọng đến việc sắp xếp mọi thứ một cách hợp lý để trận đấu diễn ra suôn sẻ.” 

Ngoài chuyên môn điều khiển trận đấu, kỹ năng sơ cứu cũng là một yếu tố quan trọng mà Trần Công luôn chú trọng. Là một giáo viên giáo dục thể chất và từng tập võ, anh đã học qua sơ cứu và thường xuyên áp dụng kỹ năng này khi làm nhiệm vụ trên sân.

“Khi cầu thủ gặp chấn thương, trọng tài là người đầu tiên tiếp xúc và xác định mức độ chấn thương. Việc này rất quan trọng, vì vậy trọng tài phải tự tin, bình tĩnh và xử lý tình huống kịp thời”.

trọng tài Trần Công sơ cứu cho cầu thủ
Kỹ năng sơ cứu cũng là một yếu tố quan trọng mà Trần Công luôn chú trọng.

Với những bạn trẻ có ý định theo đuổi nghề trọng tài, Công “Đen” đã có những chia sẻ thật lòng:

“Nếu yêu thích bóng đá và mong muốn giữ gìn sự công bằng cho các trận đấu hãy dấn thân vào nghề trọng tài. Công việc này không chỉ mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm đáng quý mà còn giúp bạn sống trọn vẹn với niềm đam mê bóng đá của mình. Hãy làm việc thật tận tâm, đam mê, trách nhiệm và danh dự. Uy tín sẽ tự đến nếu bạn giữ được những giá trị này.”